Thi công cầu vượt cạn trên cao tốc Bến Lức - Long Thành (Ảnh: K.V) 

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai, nằm trên địa bàn hai huyện là Nhơn Trạch và Long Thành có chiều dài hơn 27 km thuộc các gói thầu từ A5 - A7. Để thực hiện dự án giao thông đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai, cần phải thu hồi 197 ha đất, thuộc sở hữu của hơn 1.220 hộ dân.

Hiện, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai còn vướng 38 hộ dân. Trong đó, gói thầu A5 vướng 2 hộ dân đang tranh chấp quyền sử dụng đất; gói thầu A6 vướng 5 hộ dân, tuy nhiên địa phương đã vận động và các hộ này đồng ý bàn giao trong tháng 12/2019 sau khi thu hoạch thủy sản; gói thầu A7 vướng 31 hộ, trong đó có 22 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao do mới nhận nền tái định cư chờ xây lại nhà, đây là các hộ mặt tiền quốc lộ 51 được bố trí mua thêm 1 suất tái định cư và 9 trường hợp chưa nhận tiền do khiếu nại về đơn giá đất. Mặc dù các gói thầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tuy có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao, nhưng do mặt bằng không liền mạch nên gây khó khăn cho quá trình thi công.

Một số vị trí không có đường tiếp cận để vận chuyển thiết bị và vật liệu vào công trường. Được biết, tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các tỉnh Long An, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài 57,8 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, tương đương 1.607 triệu USD; là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, thành phần trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Đây cũng là tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Sau khi cao tốc Bến Lức - Long Thành được kết nối thông suốt với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ hình thành tuyến đường cao tốc liên vùng và tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnôm Pênh, TP.Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Cùng với đó, khi đưa vào sử dụng, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ; kết nối trực tiếp với nhiều hệ thống cảng biển và Sân bay quốc tế Long Thành. Dự kiến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được hoàn thành và cho thông xe vào năm 2020./.

 
K.V